Hội thảo Thẩm định giá thường niên năm 2023: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động thẩm định giá và quản trị tài sản tại Việt Nam”

Hội thảo Thẩm định giá thường niên năm 2023 do Bộ môn Thẩm định giá kết hợp cùng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (IRDRC) tổ chức ngày 09/12/2023 đã thu hút nhiều đại biểu là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên, chủ tịch, tổng giám đốc, và thẩm định viên tại các công ty thẩm định giá, các giám đốc bộ phận tư vấn định giá của các công ty thẩm định giá nước ngoài, công ty kiểm toán, quỹ đầu tư, và ngân hàng.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến, chỉnh sửa, và hoàn thiện dự thảo Luật giá. Ngày 19 tháng 6 năm 2023, Luật Giá đã chính thức được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua. Đáng chú ý, Luật giá lần này đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động của thẩm định viên về giá như chuyên biệt hóa hoạt động chuyên môn theo lĩnh vực tài sản, quy định rõ yêu cầu về năng lực và trách nhiệm của thẩm định viên. Các quy định mới này đặt ra vấn đề lớn trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, và nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá tại Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu của thị trường, hội thảo Thẩm định giá thường niên 2023 với chủ đề Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động thẩm định giá và quản trị tài sản tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ nhiều thành phần tham dự khác nhau có liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá và quản trị tài sản.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời, có Bà Phan Thị Châu – Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam; Bà Phạm Thị Bình – Nguyên Phó vụ trưởng Ban vật giá Chính phủ; TS. Nguyễn Hoàng Bảo – Trưởng bộ môn Kế hoạch – Đầu tư – Phát triển; Chị Hồ Thị Kim Oanh – Giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn – CBRE Việt Nam; Chị Phạm Thị Kiều Nga – Giám đốc nhân sự – CBRE Việt Nam, Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc HCMC Valuation, ĐTCL Cushman & Wakefield Việt Nam; ThS.TĐV. Trịnh Hồng Thịnh – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam; ThS.TĐV. Luật sư Phạm Thanh Dương – Giám đốc điều hành công ty DCF; Anh Mai Xuân Khoa – Giám đốc thẩm định khối doanh nghiệp miền Nam – Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân; Chị Cao Lê Tường Vân – Công ty Avision Young; Anh Hà Quang Lâm – Giám đốc CTCP Thẩm định giá và Đầu tư Việt Nhật; Anh Đinh Đức Anh – Phó Giám Đốc Công ty Thẩm định giá Đồng Tiến; và anh Lê Công Cường – Phó Tổng Giám đốc CTCP Thẩm định giá Đồng Nai.

Về phía ban tổ chức, có TS. Nguyễn Quỳnh Hoa – Trưởng bộ môn Thẩm định giá, TS. Hay Sinh – Nguyên Trưởng bộ môn Thẩm định giá; ThS. Huỳnh Kiều Tiên – Giám đốc chương trình Thẩm định giá và quản trị tài sản, Phó Trưởng Bộ môn Thẩm định giá; TS. Nguyễn Kim Đức – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (IRDRC), Thẩm định viên về giá hành nghề; TS. Nguyễn Thị Tuyết NhungThS. Trần Bích Vân, Giảng viên bộ môn Thẩm định giá.

Toàn cảnh hội thảo

TS. Nguyễn Quỳnh Hoa – Trưởng bộ môn Thẩm định giá, phát biểu khai mạc hội thảo

Mở đầu hội thảo, ThS. Huỳnh Kiều Tiên – Giám đốc chương trình Thẩm định giá và quản trị tài sản, Phó Trưởng Bộ môn Thẩm định giá, đã trình bày bài tham luận về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thẩm định giá tại UEH. Bộ môn cũng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các doanh nghiệp thẩm định giá đã tạo cơ hội và điều kiện để các bạn sinh viên chuyên ngành được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, được học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm quý báu. Thông qua hội thảo, Bộ môn Thẩm định giá cũng mong muốn nhận được các ý kiến phản hồi từ các đơn vị để điều chỉnh, bổ sung các môn học nhằm giúp các bạn sinh viên đáp ứng tốt các kỳ vọng và yêu cầu của các doanh nghiệp.

ThS. Huỳnh Kiều Tiên – Giám đốc chương trình Thẩm định giá và quản trị tài sản, Phó Trưởng Bộ môn Thẩm định giá, trình bày bài tham luận tại hội thảo

Tiếp nối bài tham luận 1, bài tham luận 2 của Hội thảo được trình bày bởi các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế với sự tham dự của chị Phạm Thị Kiều Nga – Giám đốc nhân sự – CBRE Việt Nam và chị Hồ Thị Kim Oanh – Giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn – CBRE Việt Nam.

Chị Phạm Thị Kiều Nga – Giám đốc nhân sự – CBRE Việt Nam chia sẻ vấn đề tồn tại từ lâu trên thị trường là nguồn nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp mặc dù chương trình đào tạo hiện nay tại các Đại học/Trường Đại học đã có nhiều sự cải thiện và đổi mới. CBRE Việt Nam cũng cho biết hiện nay doanh nghiệp cũng đồng hành cùng các đơn vị đào tạo, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên học tập và trải nghiệm thông qua các buổi tham quan doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo liên quan, nhằm hướng đến việc đào tạo thế hệ trẻ thành nguồn nhân lực chất lượng cao và những nhân tài tương lai của đất nước.

Chị Phạm Thị Kiều Nga – Giám đốc nhân sự – CBRE Việt Nam, trình bày bài tham luận tại hội thảo

Chị Hồ Thị Kim Oanh – Giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn – CBRE Việt Nam cũng đóng góp ý kiến về vấn đề xây dựng đội ngũ kế thừa cùng với việc xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp và tổ chức. Với bối cảnh thị trường biến động, nhiều rủi ro như hiện nay, chị Oanh cho rằng lãnh đạo đơn vị và mỗi thẩm định viên cần sáng suốt trong việc nhận định rủi ro khi thực hiện các tác vụ chuyên môn. Đồng thời, thẩm định viên cần trau dồi thêm các kiến thức liên quan đến các chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế để có thể vận dụng linh hoạt cho thị trường thẩm định giá tại Việt Nam.

Chị Hồ Thị Kim Oanh – Giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn – CBRE Việt Nam, trình bày bài tham luận tại hội thảo

Phần 2 của Hội thảo là phần Thảo luận chung diễn ra rất sôi nổi và thú vị với các khách mời là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thẩm định giá tại Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giảng viên bộ môn Thẩm định giá.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Giảng viên bộ môn Thẩm định giá, dẫn dắt hội thảo

Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực là nội dung đầu tiên được thảo luận. Các khách mời đã chia sẻ rất cởi mở về những vấn đề liên quan đến thực trạng nguồn nhân lực, thách thức hiện tại và định hướng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thẩm định giá tại Việt Nam trong tương lai. Đầu tiên, ThS.TĐV. Trịnh Hồng Thịnh – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam, đã có những chia sẻ khái quát về thực trạng nguồn nhân lực cũng như các rủi ro hiện nay đối với ngành thẩm định giá. Tiếp nối, Chuyên gia Phạm Thị Bình – Nguyên Phó vụ trưởng Ban vật giá Chính phủ, Chủ tịch CTCP Thẩm định giá Hoàng Gia, đã bổ sung thêm về các rủi ro liên quan đến pháp lý của tài sản. Cuối cùng, TS. Hay Sinh – Nguyên Trưởng bộ môn Thẩm định giá, đã chia sẻ về quá trình hình thành và đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao ngành thẩm định giá tại UEH.

ThS.TĐV. Trịnh Hồng Thịnh – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá Phương Nam, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Chuyên gia Phạm Thị Bình – Nguyên Phó vụ trưởng Ban vật giá Chính phủ, Chủ tịch CTCP Thẩm định giá Hoàng Gia, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

TS. Hay Sinh – Nguyên Trưởng bộ môn Thẩm định giá, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

 

Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, tài sản vô hình trong đó có nhóm tài sản trí tuệ đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệc, tiến bộ và thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ tạo ra đa dạng các loại tài sản trí tuệ với giá trị vô cùng lớn. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, tại ngày 1/1/2023, cả nước có 1491 thẩm định viên về giá được phép hành nghề; tuy nhiên, rất ít thẩm định viên về giá có chuyên môn và kinh nghiệm có thể thực hiện thẩm định giá nhóm tài sản này. Về vấn đề này, Bà Phan Thị Châu – Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam, đã có những chia sẻ thiết thực về các yêu cầu đối với đội ngũ nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản trị tài sản trí tuệ. Bà cũng nhấn mạnh về nhu cầu về nhân lực trong hoạt động quản trị tài sản được kỳ vọng sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Bà Phan Thị Châu – Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Bên cạnh đó, các khách mời cũng nêu lên quan điểm về xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo đang ngày tạo ra nhiều công cụ cho việc định giá hàng loạt (mass valuation) dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực trên thị trường có nhiều sự biến động. ThS.TĐV. Phạm Thanh Dương – Giám đốc điều hành công ty DCF, đã có những chia sẻ liên quan đến “mass valuation”. Anh cũng cho rằng trước bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, biết tích hợp các nguồn dữ liệu lớn (big data) cho quá trình định giá là nhu cầu cấp bách, đòi hỏi các Đại học/Trường Đại học và bản thân người lao động phải không ngừng cập nhật các kiến thức và xu hướng mới để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

ThS.TĐV. Phạm Thanh Dương – Giám đốc điều hành công ty DCF, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc HCMC Valuation, ĐTCL Cushman & Wakefield Việt Nam, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

TS. Nguyễn Hoàng Bảo – Trưởng bộ môn Kế hoạch – Đầu tư – Phát triển, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

 

Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (IRDRC), Thẩm định viên về giá hành nghề, đã thông tin đến các đại biểu về những xu hướng chính của nghề thẩm định giá trong bối cảnh mới, được rút trích từ Hội nghị thẩm định viên về giá ASEAN, được tổ chức tại Malaysia vào tháng 09/2023, mà anh là diễn giả khách mời. Theo đó, bên cạnh sự quan tâm các mô hình định giá ở cấp độ vi mô, các thẩm định viên còn cần phải quan tâm các vấn đề ở khía cạnh vĩ mô. Đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm về vấn đề phát triển bền vững (với 17 SDGs), các mô hình tăng trưởng mới (như dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo, v.v.). Nếu như trước đây, các nội dung vĩ mô thường không trọng yếu trong các báo cáo thẩm định giá thì nay, các doanh nghiệp (khách hàng) đã bắt đầu quan tâm và vận hành trong chiến lược quản trị của mình; điều này dẫn đến những nhu cầu mới trong công tác định giá tài sản, ví dụ như thẩm định giá các bất động sản có ESG. Thách thức cho ngành thẩm định giá thời gian tới là (i) các loại hình tài sản mới, hoặc các loại hình tài sản hiện hữu nhưng có kết hợp các yếu tố bền vững; (ii) các mô hình thẩm định giá mới; và (iii) đào tạo lực lượng thẩm định viên có khả năng xét đoán nghề nghiệp cao.

TS. Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (IRDRC), Thẩm định viên về giá hành nghề, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Anh Mai Xuân Khoa – Giám đốc thẩm định khối doanh nghiệp miền Nam – Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân, tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

TS. Nguyễn Quỳnh Hoa – Trưởng bộ môn Thẩm định giá, phát biểu bế mạc hội thảo

Các đại biểu và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Hội thảo thẩm định giá là hội thảo được tổ chức thường niên, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2019, và năm 2023 là năm đánh dấu chặng đường 5 năm, thu hút sự quan tâm của các học giả, nhà nghiên cứu, ban lãnh đạo các tổ chức có chức năng thẩm định giá và các thẩm định viên về giá hành nghề. Hội thảo Thẩm định giá thường niên năm 2023 với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động thẩm định giá và quản trị tài sản tại Việt Nam” đã diễn ra thành công tốt đẹp, gợi mở ra nhiều vấn đề để hoạt động thẩm định giá tại Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:

Bài viết liên quan