Viện NC&TV phát triển vùng, UEH (IRDRC) tham dự và trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ & TP.HCM tại Chương trình Giao lưu, học tập kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ công tác thanh niên dành cho cán bộ Đoàn TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, và tỉnh Champasak, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2024

Chiều ngày 22/3/2024, nhận lời mời của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện NC&TV phát triển vùng, UEH (IRDRC) đã tham dự và trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ & TP.HCM tại Chương trình Giao lưu, học tập kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ công tác thanh niên dành cho cán bộ Đoàn TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, tỉnh Champasac, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2024. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thanh niên TP.HCM – Youth Fest năm 2024, được tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lào (05/9/1962 – 05/9/2024); nhằm tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa thanh niên và nhân dân hai nước.

Toàn cảnh chương trình

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đã nhấn mạnh sức mạnh và tiềm năng của Vùng. Là vùng phát triển năng động, Đông Nam Bộ đã thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn FDI của cả nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề cao vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong việc trở thành động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Là Thành phố lớn và thuộc vùng kinh tế năng động dẫn đầu cả nước, vùng Đông Nam Bộ nói chung & TP. Hồ Chí Minh nói riêng có nhiều hàm ý chính sách quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội đối với cán bộ Đoàn của TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, và tỉnh Champasac.

Tại chương trình, TS. Nguyễn Kim Đức – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng, UEH đã phân tích một số tiêu điểm về (1) tình hình kinh tế như Tăng trưởng kinh tế, Cơ sở hạ tầng, Đầu tư và phát triển; (2) tình hình xã hội; (3) Một số điểm nghẽn về kinh tế – xã hội; và (4) Các nhân tố phát triển xu hướng của vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM như Khoa học – Công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế số, và Kinh tế chia sẻ. Xen lẫn các nội dung trình bày là các hàm ý và bài học kinh nghiệm rút ra cho các cán bộ TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, và tỉnh Champasak. Đồng thời, TS. Đức cũng trình bày cơ hội và tiềm năng đầu tư của vùng Đông Nam Bộ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Lào có mong muốn đầu tư tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Kim Đức trình bày báo cáo

TS. Nguyễn Kim Đức chia sẻ và trao đổi cùng các các bộ TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, tỉnh Champasak, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

Số liệu được trình bày trong chương trình được sử dụng từ Bài tham luận Giải pháp tăng cường phát triển và liên kết nội vùng, phát huy vai trò vùng Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của GS. Nguyễn Đông Phong và TS. Nguyễn Kim Đức tại Hội thảo khoa học “Các tỉnh, thành phố vùng ĐNB với việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và Bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” năm 2023 tại Bình Phước.

Bà Đỗ Phan Như Nguyệt – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức – Kiểm tra Thành Đoàn trao quà lưu niệm đến TS. Nguyễn Kim Đức

Cán bộ Đoàn TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, tỉnh Champasac, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chụp hình lưu niệm cùng báo cáo viên

VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN PHÁT TRIỂN VÙNG (Institute for Regional Development Research and Consulting, IRDRC), đơn vị trực thuộc UEH, được thành lập theo Nghị quyết của Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Viện IRDRC thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và cung cấp dịch vụ tư vấn (bao gồm tư vấn chính sách, chiến lược, và nghiệp vụ chuyên môn), nhằm góp phần (i) giúp các địa phương tiếp cận những xu hướng mới trong việc thiết kế và vận hành chính sách; (ii) giúp địa phương, tổ chức nghề nghiệp, và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu suất công việc, phát triển bền vững và tăng cường khả năng thích nghi của địa phương và doanh nghiệp trước những biến đổi khó lường của nền kinh tế thị trường. Với tầm nhìn đến năm 2035 trở thành tổ chức nghiên cứu và tư vấn đa ngành, đa lĩnh vực hoạt động, và có danh tiếng tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng thực hiện sứ mạng “Hiện thực hóa tiềm năng của địa phương, tổ chức nghề nghiệp, và doanh nghiệp, thông qua việc giúp các chủ thể này phát triển thành phiên bản tối ưu của chính họ”.

Một số hình ảnh khác:

Cán bộ Đoàn TP. Viêng Chăn, tỉnh Attapeu, tỉnh Champasac, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào phát biểu trao đổi cùng báo cáo viên

Tin, ảnh: Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng

Bài viết liên quan